.

10 thg 8, 2013

Kháng cự và Hỗ trợ

0 đánh giá
Hiện tượng ngưỡng kháng cự trở thành ngưỡng hỗ trợ (và ngược lại) là rất phổ biến. Điều đầu tiên mà nhà đầu tư nên tìm kiếm trên đồ thị là các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự trong quá khứ.
Lý thuyết về Hỗ trợ và Kháng cự trong sách Phân tích Kỹ thuật từ A-Z
Giá chứng khoán giao dịch là mức giá đồng thuận giữa bên mua và bên bán. Bên mua kỳ vọng giá sẽ còn tăng, trong khi bên bán kỳ vọng giá sẽ giảm.
Ngưỡng hỗ trợ là mức giá mà hầu hết các nhà đầu tư tin rằng giá sẽ tăng cao hơn, còn ngưỡng kháng cự là mức giá mà hầu hết các nhà đầu tư tin rằng giá sẽ quay đầu giảm.
Tuy nhiên, kỳ vọng của nhà đầu tư lại thay đổi theo thời gian! Khi kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi, họ thường hành động một cách quyết đoán. Quan sát Hình 1, chúng ta thấy khi giá cổ phiếu Harley-Davidson vượt ngưỡng kháng cự thì nhà đầu tư có hành động rất dứt khoát. Lưu ý thêm, khi giá cổ phiếu bứt phá lên trên ngưỡng kháng cự thì khối lượng giao dịch gia tăng đáng kể.
Một khi nhà đầu tư chấp nhận giao dịch cổ phiếu Harley-Davidson trên mức 14 USD thì càng có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua vào cổ phiếu này với mức cao hơn (từ đó khiến giá và khối lượng cùng tăng). Tương tự, những người từng bán ra quanh mức 14 USD cũng bắt đầu kỳ vọng giá tiếp tục tăng và không còn muốn bán ra.
Sự hình thành của các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự có lẽ là điểm đáng chú ý nhất và xuất hiện thường xuyên nhất trên đồ thị giá. Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự có thể bị phá vỡ do sự thay đổi của các yếu tố cơ bản so với kỳ vọng của nhà đầu tư (chẳng hạn như sự thay đổi về lợi nhuận, bộ máy quản lý, môi trường cạnh tranh,...) hoặc do chính nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng (nhà đầu tư mua khi thấy giá tăng). Nguyên nhân không quan trọng bằng kết quả: kỳ vọng mới dẫn đến mức giá mới.
Ngưỡng hỗ trợ/kháng cự thực chất không quá phức tạp
Bản chất của ngưỡng hỗ trợ/kháng cự là một dạng đường cung cầu cơ bản. Trong Kinh tế học, đường cung/cầu thể hiện quan hệ cung cầu ở một mức giá nhất định.
Nền tảng của phần lớn các công cụ phân tích kỹ thuật cũng như việc định giá hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ đều bắt nguồn từ quan hệ cung cầu. Biểu đồ giá chứng khoán cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về cung/cầu trong thực tế.
Trong Hình 2, đường cung thể hiện số lượng mà bên bán sẵn sàng bán ra tại một mức giá nhất định (chẳng hạn như số lượng cổ phiếu). Đường cung luôn hướng lên vì khi giá tăng, số lượng người bán cũng tăng (nghĩa là có thêm nhiều người sẵn sàng bán ra khi giá cao hơn).
Đường cầu thể hiện số lượng chứng khoán mà bên mua sẵn sàng mua tại một mức giá nhất định. Đường cầu luôn hướng xuống vì khi giá giảm, số lượng người mua sẽ tăng.
Ngưỡng hỗ trợ xuất hiện tại mức giá mà đường cung chạm vào trục tung (cột giá trong Hình 2 là mức 27½ USD). Giá không giảm xuống thấp hơn mức này vì không có người bán sẵn sàng bán ra với mức giá thấp hơn 27½ USD. Ngưỡng kháng cự xuất hiện tại mức giá mà đường cầu chạm vào trục tung (cột giá trong Hình 2 là 47½ USD). Giá không tăng cao hơn mức này vì không có người mua sẵn sàng mua vào với mức giá cao hơn 47½ USD.
Trong một thị trường tự do, đường cung/cầu liên tục thay đổi. Khi kỳ vọng nhà đầu tư thay đổi, mức giá mà bên mua và bên bán chấp nhận cũng thay đổi theo. Giá bứt phá (breakout) lên trên ngưỡng kháng cự là bằng chứng đường cầu sẽ dịch chuyển lên vì có nhiều người sẵn sàng mua với giá cao hơn. Tương tự, giá phá vỡ (breakout) xuống dưới ngưỡng hỗ trợ cho thấy đường cung sẽ dịch chuyển xuống.
Ngưỡng kháng cự trở thành Ngưỡng hỗ trợ
Hiện tượng ngưỡng kháng cự trở thành ngưỡng hỗ trợ (và ngược lại) là rất phổ biến. Điều đầu tiên mà nhà đầu tư nên tìm kiếm trên đồ thị là các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự trong quá khứ.
Hình 3 minh họa sự thay đổi từ ngưỡng kháng cự thành ngưỡng hỗ trợ. Sau khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự ở mức gần 10 USD thì mức này trở thành ngưỡng hỗ trợ mới.
Điều này xảy ra do lớp nhà đầu tư mới kỳ vọng thị trường tăng đang nóng lòng chờ cơ hội mua vào ngay khi giá cổ phiếu chạm 10 USD vì họ đã không mua vào khi giá thấp hơn 10 USD (lúc đó những nhà đầu tư này dự báo tình hình sẽ không mấy khả quan).
Tương tự, ngưỡng hỗ trợ khi bị xuyên thủng sẽ trở thành ngưỡng kháng cự mới và rất khó bị phá vỡ. Khi giá tiếp cận ngưỡng hỗ trợ trước đó (nay đã trở thành ngưỡng kháng cự), nhà đầu tư thường cố gắng hạn chế tổn thất bằng việc bán ra.
Trích Phần 1 sách “Phân tích Kỹ thuật từ A đến Z” của Steven B. Achelis
Hỗ trợ và kháng cự trên VN-Index hiện nay
Vùng 480 – 490 điểm của VN-Index hiện đang là tâm điểm kỹ thuật của thị trường khi liên tục bị phá vỡ xuống dưới rồi lại vượt lên trên trong suốt nhiều tuần gần đây. Lý thuyết về hỗ trợ và kháng cự có vẻ như đang ứng nghiệm trong trường hợp của VN-Index hiện nay.
Trong phiên giao dịch ngày 12/07/2013, VN-Index đã vượt lên trên và phá vỡ hoàn toàn vùng 480 – 490 điểm. Kể từ đó, vùng kháng cự đã bị phá vỡ này trở thành ngưỡng hỗ trợ mới và phát huy tác dụng rất tốt trong đợt điều chỉnh cuối tháng 07/2013.
Như vậy, theo lý thuyết về hỗ trợ và kháng cự, nếu VN-Index vẫn duy trì bên trên vùng 480 – 490 điểm thì rủi ro giảm điểm trở lại đã giảm bớt khá nhiều và việc mua vào có thể được tiếp tục.

0 đánh giá:

Đăng nhận xét