.

17 thg 10, 2013

Phương pháp "Đầu tư giá trị chỉ số"

0 đánh giá



Dành tặng những người tạm thời chưa thắng được chỉ số VNIndex

 PHƯƠNG PHÁP ĐẦU TƯ GIÁ TRỊ CHỈ SỐ
Phạm Đức Thanh

I. LỜI DẪN
Nếu bạn chưa thắng được chỉ số VNIndex, hãy đọc bài này.
Nếu bạn rơi vào cảnh chỉ số tăng mà tài khoản không tăng (hay tăng ít hơn chỉ số), ngược lại chỉ số giảm ít mà tài khoản giảm nhiều hơn chỉ số thì đó là dấu hiệu cho thấy danh mục đầu tư của bạn kém hơn mức trung bình thị trường (chỉ số).
Chính vì vậy rất nhiều quỹ đầu tư chỉ số sinh ra chỉ nhằm việc biến danh mục đầu tư của quỹ mô phỏng một cách chính xác nhất chỉ số và như vậy họ đảm bảo được danh mục đầu tư của họ luôn bằng mức trung bình của thị trường.
Tuy nhiên việc mô phỏng chỉ số nếu bằng cách mua tất cả các mã trên sàn theo tỷ trọng như tỷ trọng cấu thành chỉ số thì quá phức tạp và không cần thiết. Dưới đây tôi xin giới thiệu một chiến lược đầu tư tạm gọi là phương pháp đầu tư giá trị chỉ số.
II. ĐỊNH NGHĨA
"Đầu tư giá trị chỉ số là đầu tư chọn lọc vào các cổ phiếu hàng đầu của các ngành nghề đứng đầu trong xã hội, trong xu thế thị trường đi lên ở trung và dài hạn. Việc đầu tư sử dụng phân tích cơ bản để chọn cổ phiếu kết hợp sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định thời điểm."
III. PHÂN TÍCH
1. Đầu tư chọn lọc vào 6-10 cổ phiếu hàng đầu đại diện ngành. (Có một dàn các cầu thủ như trong một đội hình đá bóng).
Thay vì mua tất cả các mã trên sàn để được mô phỏng như chỉ số VNIndex thì phân tích thì trường thành các nhóm ngành.
Chọn 6-10 ngành đang tăng trưởng tốt và có ưu thế trong xã hội và mỗi ngành hãy mua một cổ phiếu hàng đầu của ngành đó. Việc này thỏa mãn được triết lý đa dạng hóa danh mục đầu tư.
2. Phân bổ tỷ trọng các mã cổ phiếu như nhau (Đặt niềm tin đều lên các "cầu thủ").
Mua từ 6-10 mã, như vậy trung bình 1 mã sẽ có tỷ trọng từ 10 – 16% tài khoản. Trong trường hợp có sự ưu tiên tỷ trọng cho 1 mã nào đó thì phải có lý do chính đáng và thuyết phục.
3. Phân loại tính chất chiến đấu của các mã CP để ưu tiên mức độ theo dõi.
Loại cổ phiếu có tính biến động cao (beta lớn - cổ phiếu tiền đạo) và các cổ phiếu biến động ít (beta nhỏ - cổ phiếu phòng ngự).
4. Chọn cổ phiếu dựa vào phân tích cơ bản.
Mua cổ phiếu khi thị giá nhỏ hơn giá trị nội tại cổ phiếu từ 15-20%. (Giá trị nội tại cổ phiếu có thể tham khảo tại www.giatrinoitai.blogspot.com)
Và để dễ phản ánh chỉ số VNIndex thì nên chọn cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản cao (ví dụ chọn các cổ phiếu trong bộ chỉ số VN30)

5. Xác định thời điểm mua bán từng cổ phiếu dựa vào phân tích kỹ thuật cơ bản
Đơn giản nhất là xem chart nến ngày. Mua cổ phiếu khi vào vùng quá bán và Bán cổ phiếu khi vào vùng quá mua. Cũng chỉ cần dùng 4 tín hiệu: RSI, MACD, Bollinger Band, nến Nhật là đủ. Không cần quá nhiều mô hình cao siêu.
6. Thay đổi tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt một cách uyển chuyển và linh hoạt tùy theo từng giai đoạn của thị trường.
Khi xu thế thị trường đi lên thì gia tăng đồng loạt tỷ trọng các cổ phiếu.
Khi xu thế đi xuống thì giảm đồng loạt tỷ trọng các cổ phiếu.
Khi thị trường đi ngang tích lũy, hay không cảm nhận xu thế thị trường thì để tỷ lệ 50/50
7. Thay mã khi có dấu hiệu phân phối hoặc đã tăng theo kỳ vọng (cầu thủ chạy nhiều mệt thì phải thay cầu thủ khác thôi)
Khi một mã CP nào đang nắm giữ có sự gia tăng giá đáng kể (theo kỳ vọng) hoặc có dấu hiệu phân phối thì cần chốt lời mã đó và thay bằng một mã khác chưa tăng giá.
8. Kiên quyết cắt lỗ đối với các CP lỗ 8% (thay cầu thủ thi đấu mất phong độ ra ngoài)
Đây cũng là ưu điểm của phương pháp này. Rõ ràng nguyên tắc cắt lỗ là nguyên tắc cơ bản hàng đầu của nhà đầu tư, nhưng về tâm lý là thứ khó thực hiện nhất, vì chẳng ai muốn hiện thực hóa lỗ cả. Do vậy với cách đầu tư chỉ số, mỗi cổ phiếu chiếm một tỷ trọng nhỏ (không quá 16%) tổng giá trị tài sản, do vậy cắt lỗ một lượng tài sản chiếm tỷ trọng nhỏ sẽ dễ dàng về tâm lý hơn nhiều cắt lỗ một lượng tài sản chiếm tỷ trọng lớn.
9. Kiên quyết giảm tỷ trọng toàn bộ danh mục về 0%-20% cổ phiếu nếu có dấu hiệu phân phối toàn thị trường.
IV. VÍ DỤ
Dưới đây minh họa cho phương pháp đầu tư giá trị chỉ số và so sánh với chỉ số VNIndex. Chọn 10 cổ phiếu đại diện 10 ngành trong rổ chỉ số VN30. Mỗi mã mua 10% tài khoản như vậy sau 9 tháng NAV tài khoản tăng 32,4%, trong khi chỉ số VNIndex tăng 17,7%.

0 đánh giá:

Đăng nhận xét