.

26 thg 9, 2020

[Infographic] Các làn sóng tăng giá vàng trong hơn 100 năm qua

0 đánh giá

Từ năm 1969, vàng đã trải qua hai làn sóng tăng giá và chúng đang trải qua làn sóng lần thứ ba. Dưới đây là lịch sử giá vàng 100 năm qua, sử dụng dữ liệu hàng tháng từ Hiệp hội Thị trường Vàng bạc London (London Bullion Market Association), theo Visualcapitalist.



Chế độ bản vị vàng và kỉ nguyên mới của sự can thiệp của chính phủ

Trong những ngày đầu của Cộng hòa Mỹ, chính phủ đã sử dụng bản vị vàng của Anh để định giá đồng tiền của mình. Năm 1791, giá vàng được thiết lập ở mức 19,75 USD/ounce nhưng vẫn được cho phép mua lại bằng bạc. Năm 1834, giá vàng tăng lên 20,67 USD/ounce. Giá vàng vẫn sẽ giữ được giá trị danh nghĩa dù có qua suy thoái, nội chiến hay chiến tranh.

Tuy nhiên, vàng là nguồn lực có hạn trong khi giá trị tiền tệ lại bị ảnh hưởng từ lạm phát. Do đó, các chính phủ buộc phải thay đổi các tiêu chuẩn khi tiền tệ trở nên phổ biến hơn và dự trữ vàng ngày càng khan hiếm.

Trước sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, các nhà đầu tư bắt đầu mua lại USD để có thể qui đổi vàng, loại bỏ tiền tệ khỏi nền kinh tế. Để ngăn chặn dòng tiền đổ vào vàng và làm cạn kiệt nguồn dự trữ vàng của chính phủ, năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã giới hạn quyền sở hữu tư nhân đối với vàng để ngăn chặn tích trữ và khuyến khích đầu tư. 

Năm 1934, Quốc hội đã thông qua Gold Reserve Act (tạm dịch: Đạo luật Dự trữ Vàng), cấm sở hữu tư nhân vàng và trên danh nghĩa đã tăng giá vàng lên 35 USD/ounce.

Năm 1944, các cường quốc đồng minh chiến thắng đã đàm phán Thỏa thuận Bretton Woods, biến đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ chính thức toàn cầu. Mỹ đảm bảo một ounce vàng sẽ trị giá 35 USD. Điều này diễn ra⁠ ít nhất cho đến khi nền kinh tế trì trệ vào đầu những năm 70 và dẫn đến sự kết thúc chính thức của chế độ bản vị vàng.

Làn sóng tăng giá vàng lần 1 (từ tháng 12/1969 - tháng 1/1980)

Năm 1969, chế độ bản vị vàng của Mỹ đã tăng tỉ giá lên 42 USD/ounce tính theo danh nghĩa. Tuy nhiên, một giai đoạn biến động kinh tế đầy thách thức sau đó đã thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ.

Vào ngày 15/8/1971, Tổng thống Richard Nixon đã yêu cầu Fed ngừng công nhận giá trị của vàng đánh dấu sự kết thúc của chế độ bản vị vàng. Năm 1974, Tổng thống Gerald Ford một lần nữa cho phép sở hữu tư nhân vàng thỏi. Khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng vọt và tỉ lệ thất nghiệp cao đã làm trì trệ nền kinh tế sau đó.

Đến tháng 1/1980, giá vàng đạt 2.234 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát hai con số. Chủ tịch Fed Paul Volcker khi đó đã chống lại lạm phát bằng cách nâng lãi suất lên hai con số. Điều này đã làm chậm nền kinh tế, gây ra suy thoái kinh tế.

Suy thoái kinh tế do lãi suất đã báo trước một sự bùng nổ kinh tế toàn cầu trong những thập niên 80 và 90. Tháng 6/1985, giá vàng ghi nhận mức 753,96 USD/ounce khi nền kinh tế được cải thiện.

Từ tháng 12/1969 đến tháng 1/1980, vàng đã tăng từ 285 lên 2.234 USD/ounce, tăng 684% sau 122 tháng.

Làn sóng tăng giá vàng lần 2 (từ tháng 8/1999 - tháng 8/2011)

Dưới thời Chủ tịch Fed Greenspan, thu nhập các hộ gia đình được cải thiện và lãi suất giảm dần đã đưa vàng xuống mức thấp nhất là 375,44 USD/ounce vào cuối tháng 4/2001.

Chính sách tiền tệ nới lỏng và giảm thuế lãi về vốn đã thúc đẩy làn sóng đầu cơ vào nền kinh tế internet mới và sự xuất hiện của đầu tư mạo hiểm. Bong bóng công nghệ cuối cùng đã "nổ" khi các công ty này không thể duy trì hoạt động kinh doanh bền vững cũng như tiền của nhà đầu tư trở nên cạn kiệt.

Trong năm 2000, các nhà đầu tư đã vội tháo chạy khỏi các khoản đầu cơ công nghệ của họ trước đó; dẫn đến một loạt sự sụp đổ thị trường sau đó. Sự kiện 11/9 xảy ra vào năm 2001 đã đánh dấu sự khởi đầu của một kỉ nguyên mới. Giá vàng tăng đều trong giai đoạn này.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm rung chuyển thị trường tài chính và để lại một cuộc suy thoái. Các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương bắt tay vào một chính sách gây tranh cãi về nới lỏng định lượng để hỗ trợ thị trường tài chính. Giá một ounce vàng đạt mức cao kỉ lục vào cuối tháng 8/2011, do lo ngại về nợ công tại Mỹ và các quốc gia khác.

Từ tháng 12/1969 đến tháng 1/1980, vàng đã tăng từ 394 lên 2.066 USD/ounce, tăng 425% sau 145 tháng.

Làn sóng tăng giá vàng lần 3 (từ tháng 11/2015 – tháng 5/2020)

Sau hậu quả của cuộc Đại suy thoái, Fed đã hạ lãi suất để khôi phục nền kinh tế. Giá vàng giảm xuống mức 1.050 USD/ounce vào tháng 12/2015. Mãi cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, giá vàng mới tăng trở lại.

Áp lực tăng lãi suất, phục hồi kinh tế sau nợ, chiến tranh thương mại với Trung Quốc và cuộc khủng hoảng COVID-19 gần đây một lần nữa gây ra bất ổn kinh tế và dấy lên mối quan tâm về vàng.

Kể từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2020, giá vàng đã tăng từ 1.146 lên 1,726 USD/ounce, tức tăng 55% trong 55 tháng. 

Cập nhật mới nhất vào 6h30 giờ Việt Nam ngày 7/7, giá vàng giao ngay tăng 0,04% lên 1.785,90 USD/ounce, mức kỉ lục cao nhất từ trước đến nay trong khi giá vàng giao tháng 8 tăng 0,06% lên 1.794,70 USD.

Lê Huy - Alex Chu

Link bài viết:
https://vietnambiz.vn/infographic-cac-lan-song-tang-gia-vang-trong-hon-100-nam-qua-20200706170528126.htm


0 đánh giá:

Đăng nhận xét